Trồng bưởi là thế mạnh của huyện Vĩnh Cửu- Đồng Nai. (Nguồn: Báo Đồng Nai) |
Đồng thời, nông nghiệp Đồng Nai còn tận dụng tối đa các cơ hội và lợi thế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế để thúc đẩy phát triển sản xuất, mở rộng thị trường nông sản.
Xây dựng nền nông nghiệp đa chức năng, vừa sản xuất nông sản hàng hóa, vừa kết hợp phát triển du lịch sinh thái và tạo cảnh quan môi trường tốt đẹp cho con người; nông sản phải được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; áp dụng công nghệ cao trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp, từ chọn, tạo, sản xuất giống đến sản xuất và chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản.
Theo ông Cao Tiến Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, mục tiêu trong phát triển nông nghiệp giai đoạn mới gồm nhiều nội dung như: tạo sự đột phá trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ; áp dụng công nghệ cao trong sản xuất; xây dựng các chuỗi giá trị chế biến; xây dựng nền nông nghiệp đô thị, nông nghiệp hữu cơ kết hợp phát triển du lịch sinh thái... Từng địa phương sẽ xác định đâu là điểm đột phá, đổi mới, nguồn lực, lợi thế riêng trong phát triển sản xuất nông nghiệp.
Nhiều loại trái cây ở Đồng Nai cũng đã có kế hoạch thực hiện thiết lập, quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu, cụ thể như trái bưởi, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương này, đến năm 2025, mục tiêu đặt ra toàn tỉnh sẽ có 22 mã số vùng trồng với tổng diện tích gần 1,7 nghìn ha cây bưởi.
Đây là một trong số những cây trồng chủ lực có diện tích lớn của Đồng Nai với hơn 9.958ha. Về sản lượng, chỉ tính riêng diện tích bưởi đã cho thu hoạch đạt trên 18,3 nghìn tấn/năm.
Đồng Nai cũng đang chuyển hướng sang sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ được chú trọng đẩy mạnh. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất theo quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương đạt trên 25%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông - lâm - thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt 50%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông sản ứng dụng công nghệ cao đạt tối thiểu 50%; tỷ lệ HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đạt tối thiểu 80%.
Khai thác thế mạnh của từng vùng, từng địa phương, Đồng Nai còn có đề án Phát triển nông nghiệp đô thị cho vùng kinh tế Tây Nam tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Qua đó đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của vùng Tây Nam của tỉnh Đồng Nai theo hướng đa dạng các loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị kết hợp nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ; ứng phó với biến đổi khí hậu... Đề án khuyến khích các loại hình nông nghiệp sử dụng ít đất, không đất; sử dụng ít lao động, tận dụng lao động nhàn rỗi, lao động ngoài độ tuổi và đặc biệt ít có nguy cơ ô nhiễm môi trường. Vùng kinh tế này còn chú trọng thu hút đa dạng các loại hình kinh tế tham gia liên kết sản xuất - thu mua - chế biến - bảo quản - tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đô thị.
Có thể nói, phát triển nông nghiệp hữu cơ là một trong 4 nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI. Chính vì vậy, Đồng Nai đang tập trung phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Đây cũng là hướng đi phù hợp được nông dân tích cực tham gia vì là giải pháp giảm chi phí sản xuất khi các loại phân, thuốc hóa học tăng giá gấp nhiều lần so với trước. Nông dân cũng ngày càng nhận thức rõ sản xuất theo hướng hữu cơ là giải pháp sản xuất để ra sản phẩm an toàn, chi phí rẻ có thể ứng dụng đại trà.
Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nhóm đất nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 1,5% trên tổng diện tích đất nông nghiệp, tương đương với khoảng 33 nghìn ha.
Đồng Nai còn quan tâm hỗ trợ, vận động nông dân, doanh nghiệp sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP). Theo đó, toàn tỉnh hiện có 1.667ha cây trồng được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP và tương đương. Chủng loại cây trồng được chứng nhận GAP rất đa dạng như: hồ tiêu, sầu riêng, chôm chôm, thanh long, xoài, nấm, các loại rau ăn lá, rau ăn quả… Nhiều vùng sản xuất GAP đã xây dựng được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ với đầu ra ổn định hơn cho sản phẩm trồng trọt đạt chuẩn an toàn./..
Nguồn: https://dangcongsan.vn