Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp
Trong 2 ngày 27 và 28/11, tại TP.HCM, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị, tập huấn “Quản lý nhà nước gắn với định hướng phát triển bền vững ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2025 khu vực phía Nam".
Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT), cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành thông qua nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị, mở rộng thị trường.
Theo đó, sẽ xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ mới với năng suất chất lượng cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.
Đồng thời phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa. Nâng cao thu nhập và đời sống dân cư, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm trong tình hình mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao vị thế của người dân nông thôn, củng cố và phát triển cộng đồng.
Xây dựng nông thôn xanh sạch, đẹp, đảm bảo an ninh với hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ tiệm cận với khu vực đô thị. Hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Trong giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp sẽ ở mức 2,5 - 3,0%/năm. Cũng trong giai đoạn này, tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (NLTS) 2,6 - 3,2%/năm, trong đó: trồng trọt tăng 2,0 - 2,2%/năm; chăn nuôi tăng 4,0 - 5,0%/năm; thủy sản tăng 3,5 - 4,0%/năm; lâm nghiệp 5,0 - 5,5%/năm. Phấn đấu đến năm 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS khoảng 50 tỷ USD.
Để đạt được những mục tiêu nói trên, Bộ NN-PTNT đã đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh nông sản trong thời gian tới.
Về các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu, trước hết là tổ chức thực hiện có hiệu quả các khâu quan trọng, đột phá để cơ cấu lại nông nghiệp hiệu quả, hiện đại và bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh.
Phát triển hệ thống đầu vào để tối thiểu hóa chi phí, tối đa hóa giá trị, lợi nhuận phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững. Phát triển công nghiệp chế biến, tăng tỷ trọng chế biến sâu để giảm chi phí và nâng cao giá trị nông sản. Phát triển, tổ chức lại thị trường trong và ngoài nước để tiêu thụ ổn định, kịp thời, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và chế biến nông sản.
Đồng thời đẩy mạnh hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân, các vùng, địa phương tham gia phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp. Từng bước đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh nông nghiệp, nhất là hệ thống thủy lợi.
Về nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh nông sản, sẽ tổ chức sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường về VSATTP và yêu cầu xã hội, môi trường; giảm chi phí sản xuất; nâng cao giá trị, thương hiệu nông sản Việt Nam; phát triển hạ tầng logistics; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá nâng cao hình ảnh nông sản Việt Nam.
Chuyển đổi tư duy về phát triển kinh tế nông thôn
Về xây dựng nông thôn mới (NTM) trong giai đoạn 2021-2025, ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, cho biết, mục tiêu của Chương trình đến năm 2025 là cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM. Trong đó có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; ít nhất 50% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có khoảng 15-19 đơn vị cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM...
Ngoài 11 nội dung thành phần, Bộ NN-PTNT sẽ thực hiện 6 chương trình chuyên đề trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có 2 chương trình mới là chuyển đổi số và du lịch nông thôn.
Bộ NN-PTNT đã đề ra một số định hướng trọng tâm trong xây dựng NTM. Đó là nâng cao vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM; xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, hướng đến xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh”; xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh.
Bên cạnh đó là nâng cao năng lực, chuyển đổi tư duy về phát triển kinh tế nông thôn theo hướng: chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển chuỗi liên kết giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, hình thành các sản phẩm tích hợp “đa giá trị”; phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vùng miền. Bảo vệ môi trường và bảo tồn, cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp; phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Chú trọng du lịch nông thôn, sản phẩm OCOP
Riêng với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong những giải pháp xây dựng NTM, cần phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ đa mục tiêu: gắn với quá trình đô thị hóa; gắn với vùng sản xuất lớn, tập trung; kết nối liên tỉnh, liên vùng; ưu tiên, quan tâm đến kết cấu hạ tầng bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
ĐBSCL phát triển kinh tế gắn với lợi thế vùng sản xuất quy mô lớn, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Cụ thể, phát triển sản xuất quy mô lớn gắn với vùng sản xuất lớn, mã số vùng trồng và chuyển đổi số.
Tăng cường áp dung quy trình kỹ thuật tiên tiến như VietGap, GlobalGap với sản phẩm chủ lực. Mở rộng diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ, tuần hoàn như lúa - tôm. Hình thành chuỗi giá trị gắn với các tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu. Tăng cường chế biến, chế biến sâu.
Đặc biệt, vùng ĐBSCL cần phát triển du lịch nông thôn, gắn với thị trường khách du lịch từ TP.HCM và thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó là phát triển nhóm sản phẩm OCOP với đặc thù của vùng ĐBSCL. Chẳng hạn, đẩy mạnh nhóm sản phẩm lợi thế (trái cây, thủy sản, thực phẩm…) theo chuỗi giá trị, gắn với vùng nguyên liệu. Tăng cường áp dụng khoa học và công nghệ, đẩy mạnh phát triển sản phẩm mới, gắn với chế biến, chế biến sâu quy mô nhỏ và vừa.
Nâng cao năng lực hệ thống logistics, kết nối cung - cầu cho các sản phẩm OCOP. Chuyển đổi số gắn với truy xuất nguồn gốc, quảng bá và xúc tiến thương mại (thương mại điện tử, triển lãm sản phẩm OCOP thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường,…).
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhiều lần nói tới việc phải thay đổi tư duy, phải tích cực học hỏi, nắm bắt những xu thế mới của thế giới.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chúng ta đang sống trong một thế giới VUCA (biến động, bất định, phức tạp, mơ hồ). Chúng ta không lường trước được điều gì trong thế giới đầy biến động, đầy bất định, đầy phức tạp, đầy mơ hồ ấy. Các chuyên gia nước ngoài cảnh báo rằng trong một thế giới VUCA, anh đừng bao giờ nghĩ rằng lúc nào anh cũng nắm đằng cán. Chỉ xoay chuyển chút xíu là có thể anh đã phải nắm đằng lưỡi rồi.
Nền nông nghiệp cũng không thoát ly ra khỏi 4 thuộc tính chung của thế giới hiện tại. Trong thế giới như vậy, nếu chúng ta không chịu tiếp cận nắm bắt thông tin, không chịu học hỏi, nếu cứ nghĩ rằng nền nông nghiệp sẽ mãi mãi là như vậy thì sẽ phải đánh đổi bằng những hậu quả khôn lường.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp ở các địa phương phải tiếp cận, nắm bắt được những xu thế, cách người ta đặt vấn đề, cách người ta giải quyết vấn đề và cái cách mà thế giới đang vận động như thế nào”.
Nguồn: nongnghiep.vn